1. Đình Nại Thượng:

Đình Nại Thượng xã Đại Đức
Đình Nại Thượng xưa thuộc thôn Thượng, đến năm Khải Định 9 (1924), thôn Thượng chuyển thành xã Nại Thượng, thuộc tổng Nại Xuyên, huyện Kim Thành. Nay đình thuộc thôn Nguyễn Bạo.
Theo truyền ngôn, đình Nại Thượng nguyên là một ngôi miếu nhỏ. Hoà bình lập lại (1954), nhân dân địa phương xây dựng tạm 2 gian nhà nhỏ để làm nơi thờ các vị thành hoàng của làng. Đến năm 1998, bằng sự đóng góp của nhân dân và các nhà hảo tâm, đình Nại Thượng được khôi phục lại trên nền cũ.
Theo ngọc phả, sắc phong còn lưu lại, ở trang Nại Xuyên, huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương xưa, có gia đình họ Hoàng, huý là Nghiêu, vợ là Lê Thị Phương, vốn dòng dõi thi lễ, giàu có, đức độ, lấy nghề dạy học, bốc thuốc cứu giúp người nghèo khó. Họ sinh được 7 người con, trong đó có 5 người con trai là Uy Công, Thượng Công, Đức Công, Cao Công, Độ Công và 2 người con gái là Thiện Hộ và Thiện Bộ. Lớn lên, cả 7 anh em đều thông minh, văn võ song toàn nổi tiếng trong vùng.

Sắc phong của 07 vị thành hoàng
Thời gian đó, nước ta có giặc Tô Định, nhà Hán dẫn 5 vạn binh lính đến xâm lược, gây ra bao đau thương tang tóc. Trước cảnh nước mất, nhà tan, hai Bà Trưng Trắc - Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa ở cửa sông Hát, Sơn Tây (nay là xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội). 7 anh em họ Hoàng liền chiêu mộ nam nữ hương binh tại bản trang được hơn nghìn người đến yết kiến Hai Bà, bày tỏ mong muốn gia nhập cuộc khởi nghĩa chống giặc. Hai Bà thấy 7 anh em đối đáp trôi chảy, có tài văn võ, thao lược liền chiêu nạp, phong cho 5 người con trai chức Tiền đạo đô chỉ huy sứ tướng quân, 2 người con gái là Nội thị. 7 anh em cùng cầm quân phân thành các đạo, tiến thẳng đến đồn Tô Định, đánh một trận lớn khiến cho quân giặc đại bại.
Đất nước thái bình, 7 anh em họ Hoàng được phong hưởng thực ấp ở trang Nại Xuyên. Về bản trang, thấy nhân dân còn nghèo khổ, 7 anh em bèn xuất tiền mua ruộng giúp nhân dân mở mang cày cấy.
Được 3 năm, tướng giặc Mã Viện nhà Hán lại tiếp tục mang quân đến xâm lược. Trưng Vương lo lắng xuống chiếu triệu 7 anh em mang quân đến giúp. Sau nhiều trận chiến đấu, lực lượng ngày càng mỏng dần, quân ta bị địch bao vây, 7 anh em khi chèo thuyền đến sông Ngọ Dương thì bỗng nhiên hóa (mất). Nhân dân trang Nại Xuyên nghe tin vô cùng thương tiếc đã lập miếu thờ 7 anh em, tôn làm thành hoàng.
Để tưởng nhớ công lao của 7 anh em tướng lĩnh họ Hoàng cùng nghĩa quân đã có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Hán cứu nước. Đến thời vua Lý Nam Đế đã đặc sắc cho nhân trang vùng lập đền miêu phụng thờ tại vùng tứ xã Đại Xuyên, nơi quê hương đã sinh ra các chư vị. Vong linh của các thần hoàng được phụng thờ tại 5 ngôi đình đó là: Nại Thượng, Nại Đông, Kim Đám, Ngọ Dương và Định Giàng.
Trong 2 bản ngọc phả gồm 19 trang được viết bằng chữ Hán và 1 văn bản ngọc phả gồm 6 trang viết bằng chữ quốc ngữ đến năm 1938 được lưu trữ tại học viện thông tin khoa học xã hội Hà Nội khẳng định các vị thần Hoàng đã được phụng thờ cụ thể như sau:
Thánh cả: Đệ Nhất Uy Công Đại Vương tức Hoàng Công Uy tên hiệu vua phong: Đức Đấng cảnh Thành Hoàng Quảng Độ linh ừng Đại Vương ( Thờ tại Đình Nại Thượng)
Đệ nhị: Thượng Công Đại Vương tức là: Hoàng Công Thượng tên hiệu vua phong Đức đấng cảnh thành Hoàng Đồng Đài đại vương ( thờ taị đình Nại Đông)
Đệ tam: Công cao đaị vương, tức là Hoàng Công Cao, tên hiệu vua phong: Đức Đấng cảnh Thành Hoàng Độ vang công cao Đại Vương ( thừ tại đình Kim Đám)
Đệ tứ: Đức Công đại vương, tức là: Hòng Công Đức, tên hiệu vua phong: Đức đấng cảnh thành hoàng an nhân hiệu ứng Đại Vương ( thờ tại đình Nại Thượng)
Đệ ngũ: Độ công cao Đại vương, tức là: Hoàng Công Độ, tên hiệu vua phong: Đức đấng cảnh thành hoàng Hoàng độ cư sĩ hiệu ứng Đại Vương ( thờ tạ đình Ngọ Dương)
Đệ lục: Tiên hộ đại vương, tức là: Hoàng Thị Thiện hộ, tên hiệu vua phong: đứ đấng cảnh thành hoàng Thiện Hộ Tân Trầu ( thờ tại đình Định Giàng)
Đệ thất: thiên bộ đại vương, tức là Hoàng Thị Thiện Bộ, tên hiệu vua phong: đức đấng cảnh thành hoàng thiện bộ chi thần ( thờ tại đình Định Giàng).
Với những di tích lịch sử, đình Nại Thượng đã được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh năm 2025. Lễ hội được tổ chức từ ngày 15 tháng 11 âm lịch.
2. Đình Kiên Lao ![]()

Đình Kiên Lao xã Đại Đức
Tên di tích: Đình Kiên LaoLoại công trình: Đền
Loai di tích: Kiến trúc
Quyết định: đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 2223- VH/ QĐ ngày 26 tháng 6 năm 1995.
Tên thường gọi: Đình Kiên Lao, hay còn gọi Đình Xuân Quang.
Đình Kiên Lao thờ 02 vị thần hoàng là người có công với nước ở thế kỉ thứ X là Đào Công Chiêu và Đào ông Hiển.
Lịch sử về Đình Kiên Lao:
Kiên Lao (tên tục là làng Lau) có lịch sử hình thành rất sớm. Xưa vùng đất này thuộc Trà Hương, phủ Kiến Thụy, trấn Hải Dương. Theo truyền thuyết và bia ký, từ thiên niên kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ XII thì trang Kiên Lao và Nại Thượng là hai nơi sớm hình thành quần cư tới khẩn hoang lập nghiệp do đất đai tốt tươi lại thuận đường đi lại. Đầu thế kỷ XIX, Kiên Lao là một xã của tổng Nại Xuyên, huyện Kim Thành, phủ Kinh Môn. Trong làng, có cả đình, cả chùa. Nay thì đình làng Kiên Lao nằm trên thôn Tân Tiến, xã Đại Đức
Bằng đường bộ từ thành phố Hải Dương, theo quốc lộ 5 xuôi về phía Hải Phòng tới Phú Thái, rẽ phải vào đường 188 đến thị tứ Đồng Gia, rẽ phải theo con đường trải nhựa của dự án WB2 vào thôn Tân Tiến, nơi có di tích Đình Kiên Lao
Đình Kiên Lao tọa lạc trên một khu đất thoáng mát có dáng rồng chầu hổ phục. Bao bọc bởi cánh đồng lúa rau màu xanh tươi và rặng cây xanh bóng mát, đình mang dáng vẻ cổ kính và trầm mặc. Kiến trúc Nguyễn, mặt chính hướng Nam, nhìn ra cánh đồng lúa ven làng. Tam quan bề thế (được chính quyền và nhân dân địa phương tôn tạo năm 1992), cổng chính dựa trên hai cột trụ, trên đắp đôi nghê, hai cổng phụ xây chồng diêm hai mái. Đình xây hình chữ Đinh (丁) gồm 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung. Mái lợp ngói mũi, trên nóc đắp hai con kìm, giữa dựng hình lưỡng long chầu nguyệt. Hai đầu hồi tiền tế và hồi sau hậu cung đều đắp nổi hổ phù. Tại cửa phụ hậu cung còn ghi dòng chữ “Đồng Khánh nguyên niên tuế thứ Bính Tuất thập nhất nguyệt sơ lục nhật lương thời bản xã trùng tu" tỏ rõ đình được xây dựng năm 1886, trùng tu năm Bảo Đại thứ 3 (năm 1928). Chính cung trang trí cửa võng, hai bên treo các câu đối và đặt bộ bát biểu sơn son thếp vàng. Trong cung cấm có hai cỗ ngai bài vị và 2 cỗ bành kiệu tươi màu sơn đỏ thếp vàng của hai Thành hoàng làng. Đình còn có ban thờ Trần Hưng Đạo. Đình còn giữ được nhiều cổ vật và đồ thờ có giá trị, 2 quyển thần phả và 12 đạo sắc phong thời Lê và Nguyễn.
Trước cổng tam quan còn khoảnh sân rộng hơn trăm thước vuông, có trụ đá xanh làm cột cờ kề sát mặt hồ bán nguyệt rộng ước 500 thước vuông. Cảnh trí hài hòa mát mẻ, phong thủy tốt đẹp.
Ngoài việc thờ phụng hai ngài ở đền, làng còn một ngôi miếu – tên gọi Kiên Quang (dân làng thường gọi là đình Cháy), kết cấu 5 gian chuôi vồ có vọng cung. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, đình và miếu đều bị phá. Năm 1993, miếu được xây lại quy mô chỉ còn hai gian nhỏ lợp ngói móc. Đường giao thông liên xã đi qua ngay chính mặt đền lấy mất toàn bộ diện tích sân trước, tam quan và sân trong khu cửa đình xưa. Năm 1995 Đình Kiên Lao được công nhận là di tích quốc gia. Nhân dân và chính quyền địa phương đã bỏ nhiều công sức đổ đất san nền sân đình, xây tường bao, xây tam quan, làm nhà bếp, đóng cửa đình…. và gìn giữ khang trang như ngày nay.
Cả hai khu vực đình và miếu, đều còn giữ được nhiều cổ vật, đồ thờ có giá trị.
Trải qua năm tháng, di tích đình miếu tuy chịu nhiều biến động lịch sử xã hội song cơ bản vẫn giữ gìn được các dấu tích xưa. Ngoài đợt trùng tu của triều nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ XX (năm 1928); thực hiện nghị định 69/CP của Chính phủ và sau khi được Bộ Văn hóa thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, chính quyền và nhân dân địa phương đã tích cực bảo vệ tôn tạo Đình Kiên Lao để có được một cơ sở thờ tự, tín ngưỡng tâm linh như ngày nay. Cụ thể là: tôn tạo tam quan đình (1992), xây dựng lại miếu Kiên Quang (1993), công đức tu sửa bộ cửa đình, cung tiến, dân làng và nhiều người hằng sản công đức thêm đồ thờ tự…
Đình thờ hai vị thần hoàng là Đào Công Chiêu và Đào Công Hiển thời nhà Lê Đại hành (năm 981) có công chống giăc Tống bảo vệ đất nước ở thế kỷ X. Thần tích, thần sắc hiện được lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội (mang ký hiệu TT – TS FQ 4o 18/ IX,30) ghi về nhị vị như sau:
“Thần thành hoàng:
Hiệu là “Trung – Hoa – Tể – Đại – Tướng – Quân" tên húy Đức thánh đệ nhất là Chiêu (昭) đức đệ nhị là Hiển (顯). Vị đệ nhất là Nhân thần; vị đệ nhị là thiên thần.
Sự tích đức thánh đệ nhất:
Về thời nhà Tiền – Lê (Lê Đại Hành) ở tỉnh Nam Định, phủ Thái Bình, huyện Phụ Phong, trang Cổ Pháp có ông họ Đào húy Minh , vợ là Vương Thị Hồng đêm nằm mộng nuốt ngôi sao vào người rồi sinh ra ngài ngày mồng tám tháng giêng năm Nhâm Thìn. Đến lúc Ngài mười sáu tuổi thì vương phụ, vương mẫu chầu giời mất cả, Ngài đi chu du sơn thủy mới gặp đức thánh đệ nhị…
Sự tích đức thánh đệ nhị:
Cùng về thời Tiền Lê Ngài là Thạch bàn giáng sinh náu ở chùa Cổ – Tự, sau Ngài đi chu du gặp đức thánh đệ nhất kết bạn yến ẩm hẹn nhau khi nào có giặc Chiêm Tống thời cùng nhau giúp nhà vua.
Đến sau quả nhiên trong nước có giặc Chiêm Tống, nhà vua cho sứ giả đi rao khắp thiên hạ ai có tài kiêm văn võ thời đến ứng tuyển.
Hai ngài nghe chiếu chỉ mới yết bảng chiêu binh ngay ở bản trang (tức Cổ Pháp trang) mộ được cả hào – kiệt – sĩ – tốt hơn vài nghìn người, rồi vào bệ kiến ứng tuyển, ứng đối lưu loát. Vua phong ngay cho chức Trung Hoa Tể Đại Tướng quân, rồi lĩnh chỉ đi tuần thú các cửa bể về phía đông nam, đem quân thủy bộ đến Hải Dương trấn, Trà Hương quận Kiên Lao trang địa đầu đóng quân lại đặt đồn chống giữ giặc. Dân trang Kiên Lao lấy làm kinh sợ, mới sửa lễ ra xin làm thần tử, vì thế bấy giờ ngài mới cho làm dinh đồn để sau làm sở phụng sự (tức là ngôi đình thờ bây giờ) rồi cho dân hai nén vàng và tờ phó chúc tên húy là Chiêu Hiển.
Sau nhà vua đòi về kinh cùng với vua thân chinh đến đồn quân Tống đánh một trận, giặc thua phải tẩu hồi Bắc quốc, hai ngài đuổi theo giặc đến đồn Nghĩa Trang, giời tối mù mịt mây ám hai ngài theo giòng nước thác xuống bể mất cả. Vậy là hai vị cùng hóa ngày mười một tháng chạp, bấy giờ sĩ tốt kinh sợ bèn dâng biểu tâu vua.
Vua về kinh đại khai khánh hạ phong thưởng tướng sĩ thứ tự, sai sứ thần phụng sắc phong cho hai vị là phúc thần.
Sắc phong Đức thánh cả là: Chiêu công hộ quốc cư sĩ linh ứng Đại Vương;
Sắc phong Đức thánh hai là: Hiển công cổ tự hiển ứng Đại Vương"
Các triều vua sau này đều có sắc phong cho nhị vị đại vương do tỏ rõ linh ứng.
Tổng cộng Đình Kiên Lao được các triều đại phong kiến ban sắc lần lượt 12 đạo sắc phong: Tự Đức năm 1848- 5 đạo, Cảnh Hưng 1740- 2 đạo, Vĩnh Thịnh 1707- 1 đạo, Khải Định 1916 – 3 đạo, Đồng Khánh 1886- 1 đạo.
Lễ hội đình Kiên Lao xưa nay vào loại lễ hội lớn trong địa bàn huyện Kim Thành, thu hút không chỉ nhân dân trên địa bàn huyện mà thu hút đông đảo du khách thập phương ngoài huyện.
Trước cách mạng tháng tám 1945, hàng năm thường có những dịp tế lễ sau (tính theo âm lịch):
– Ngày mồng tám tháng giêng sinh nhật đức thánh cả và lễ Kỳ phúc đầu năm.
– Những ngày vào giữa tháng mười một làng mở hội (vào đám – 15 đến 17 tháng 11 ( lễ hội khao quân) là theo tích hai ngài đồng du hội ngộ. Đồ tế lễ dùng những thức sau: Vàng, ngựa, mũ áo(đồ mã); trầu rượu. Lễ mặn có xôi, thịt lợn (mỗi giáp hiến lễ một “ông lợn"). Lễ chay có Oản chè, các thứ hoa quả, bánh vuông, bánh tròn tráng. bánh dày, bánh trưng, bánh đường, trà phẩm, xôi rê, thịt lợn ..v..v..
Thời thuộc Pháp, từ sau ngày cải lương (1936) bỏ mất lệ làm bánh ngũ sắc bằng gạo trộn mật. Những đồ lễ vật này giao người làm tế đám đến lượt phải sắm sửa, dùng tiền trích ở hoa lợi ruộng công khấu trừ ra. Tế lễ xong phân về các giáp theo nhân đinh vị thứ chia phần. Chức sắc trong làng từ tổng lý, chức sắc, thân hào, hương chức được dự lễ tế; trước ngày tế lễ và trong khi hành lễ phải kiêng người tang trở, trai giới, ăn chay tắm gội sạch sẽ và nằm ngủ tại đình. Khi tiến hành các lễ tiết, nhất nhất phẩm phục mũ áo thụng xanh. Các lễ tiết chính được tiến hành trong khuôn viên đình.
Ngày nay bà con nhân dân mỗi làng tổ chức sắm lễ dâng lễ cỗ quả riêng của thôn mình.
– Ngày mười một tháng chạp là ngày hóa nhật hai ngài cùng thác xuống bể.
Xưa, Lễ hội làng Kiên Lao được tiến hành trọng thể nhất vào dịp giữa tháng 11 âm lịch (lễ hội khao quân). Toàn bộ lễ tiết được thực hiện như sau:
Lễ cáo yết được tổ chức mùng 1 tháng 11 do lý dịch và hương chức trong làng và các ông giáp nhang trưởng đứng lễ. Lễ mộc dục được làm vào nửa đêm (12 giờ đêm) mười tư kéo dài khoảng một giờ đồng hồ. Sáng ngày 15, tráng đinh 4 giáp rước lễ vật ra đình, buổi chiều rước kiệu thần. Tối 15 tổ chức tế yên vị. Tối 17, làng làm lễ tế rã đám. Tuần tự nghi trình rước tiến hành như sau: Đi đầu là cờ thần, cờ ngũ sắc, tiếp theo là đoàn nghi trượng gồm bát biểu, đồ tế khí. Trống chiêng, bát âm khởi nhạc, 2 kiệu đặt thần vị (long ngai, bài vị, xiêm đai hốt ủng…) của nhị vị thần hoàng đi song hành; tế quan, quan viên chức việc trong làng phẩm phục nghiêm ngắn đi sau kiệu; dân làng kính cẩn theo sau. Đoàn rước khởi kiệu từ đình ra miếu thờ nhị vị thần hoàng rước mũ nhị vị thánh ở miếu về đình, làm lễ yên vị thờ ba ngày sau đó vào ngày 17 lại rước trả mũ từ đình về miếu.
Cùng với các lễ thức truyền thống, phần hội của lễ hội Kiên Lao xưa cũng hết sức phong phú. Các trò chơi dân gian như : Cầu thùm, bắt vịt, đập liêu lôi cuốn dân làng và khách thập phương tham gia. Vào đám, làng còn mời các đoàn chèo về diễn hàng đêm tạo nên không khí hào hứng, chan hòa, thư thái chốn hương quê bù cho nỗi nhọc nhằn, vất vả trên đồng ruộng lúc mùa vụ.
Người Kiên Lao – Đại Đức vốn có niềm tự hào riêng về lễ rước kiệu của lễ hội làng mình. “kiệu bay" là tục riêng của làng mà không nhiều lễ hội trong thiên hạ có được. Tục rước kiệu hiếm lạ ở đây xuất phát từ truyền ngôn lâu đời rằng đây vốn là mảnh đất hội quân, luyện rèn sĩ tốt của nhị vị thành hoàng, phản ánh thần thái trẻ trung vui nhộn, dong chơi khắp thiên hạ của hai ngài vốn gặp được nhau rồi kết nghĩa làm anh em, cùng bản tính lanh lợi, vui vẻ hay đùa giỡn, ham đua sức, đua tài. Tục truyền rằng, khi được sắc vua ban, kiệu hai ngài vi hành lên phủ, qua sông Sái, thuyền chưa tới bờ hai kiệu đã cùng lúc bay thẳng lên bờ chạy thẳng một mạch tới phủ đệ. Quan phủ thấy lạ hỏi rằng “Kiệu làng nào vậy", thưa rằng “kiệu làng Kiên Lao" liền được nhận sắc ngay tức khắc. Kiệu về đến bản doanh, các đoàn cùng đi còn chưa lên tới phủ. Lại mô tả đường luyện quân của hai ngài dọc từ đình làng, băng qua cánh đồng tới khu vực chùa làng bây giờ xưa vốn lầy thụt, khó đi. Vậy mà dọc đường luyện sức, gặp ao qua ao, gặp đồi gò, ruộng phơi đất ải nhấp nhô cao thấp, gốc rạ cứng sắc chĩa ngược lên trời mà các chân kiệu vẫn đạp đất chạy băng băng; kiệu thánh Cả, thánh Hai cứ dập dờn chuyển động, khi chụm vào nhau; lúc rẽ ngang, lúc lại rượt đuổi nhau ầm ã như trẻ nhỏ nô đùa, bụi bốc mù mịt, cây cối ven đường hút theo nghiêng ngả như gặp giông gió. Các chân kiệu chạy chẳng bén đất, đạp gai góc, đất đá sắc nhọn băng băng, chẳng chân kiệu nào vấp váp, sứt mẻ. Quân bộ theo sau miệng hô, chân chạy như lốc gió mưa bay, thần thái hào sảng.
Về sau, hàng năm làng vào đám, cứ sau lễ rước kiệu về đình là hai kiêụ hai ngài lại diễn lại tục xưa. Các chân kiệu được làng chọn cử vừa tuổi tráng đinh, sức vóc dư thừa, trong gia đình tộc họ không có người chịu tang, làng xóm thân gia không tai tiếng, đức hạnh song toàn, trước ngày vào đám phải chay tịnh, sạch sẽ…Mỗi kiệu chồng tám cần tới mười sáu chân kiệu, quần áo trang nghiêm ngắn thay nhau rước thánh cứ theo lộ trình từ đình ra chùa làng ngoài bãi rồi về miếu làm lễ xong mới quay trở lại đình yên vị, khi làm lễ tạ (rã đám) lại kiệu mũ trả về miếu Kiên Quang.
Hàng trăm năm đã qua, tục rước kiệu đình làng Kiên Lao năm nào cũng vậy thu hút không biết bao nhiêu lượt trai tráng tham gia, hấp dẫn không biết bao nhiêu lượt người khắp thiên hạ tới chiêm bái. Có họ, có gia đình truyền đời con cháu từng theo chân kiệu với niềm vinh hạnh, tự hào như một phước lệ rạng danh dòng họ. “Kiệu chạy", trở thành một mỹ tục, như một “đặc sản" riêng không chỉ của dân làng Kiên Lao, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương xưa mà ngày nay, cứ làng vào hội, khách thập phương lại háo hức chờ đón màn trình diễn hoành tráng này.